Trong xã hội hiện đại thời nay, người ta thường nghĩ rằng không phải ai cũng hiền lành, ngay thẳng, tử tế, ra đường cần phải biết đề phòng để phân biệt được lời nói thật và lời giả dối vì “Thạch Sanh thì ít mà Lý Thông thì nhiều”. Bạn có từng suy nghĩ về sự trung thực là gì chưa? Biểu hiện của lòng trung thực là gì? Hãy cùng chúng mình bàn luận về phẩm chất tốt đẹp này nhé.
Tóm tắt
Trung thực là gì?
Trung thực chính là sự ngay thẳng, đứng đắn, thật thà, luôn hướng đến sự thật. Trung thực là hành vi tôn trọng lẽ phải, tôn trọng sự thật và tuân theo những chuẩn mực đạo đức, không dối trá từ lời nói đến hành động.
Biểu hiện của trung thực
Để hiểu rõ được một người là điều vô cùng khó bởi mỗi người lại có một thế giới nội tâm khác nhau, với những suy nghĩ và lý luận khác nhau. Bởi vậy sẽ rất khó để lý giải được vì sao trong hoàn cảnh đó có người lại hành xử, ứng xử như vậy. Việc xác định được một tấm gương về tính trung thực không đơn giản trong đôi lần nói dối hay không đứng lên nói ra sự thật.
Cách đánh giá nhìn nhận một người có trung thực hay không thật ra phải mất nhiều thời gian tiếp xúc, trao đổi những quan điểm sâu sắc, nói chuyện, làm việc với nhau lâu dài mới có thể nắm được phần nào phong cách sống và tinh thần của nhau. Tuy nhiên người có lối sống trung thực sẽ có những đặc trưng trong ngoại hình cũng như trong cách thể hiện bản thân mình nhất định bởi các cụ ta hay có câu “Tâm sinh tướng”, ý nói nhìn tướng sẽ đoán được một phần về tính cách, nội tâm. Vậy hãy cùng xem ví dụ về lòng trung thực là người như thế nào nhé.
Người trung thực không quan tâm liệu có được yêu quý hay không
Một người sống trung thực sẽ luôn có vẻ tự tin và trung thực. Họ nói những gì thật sự muốn nói và làm đúng theo những gì họ đã nói. Họ sẽ không ái ngại hay lo sợ rằng không chiếm được tình cảm của mọi người. Biểu hiện lôi kéo tình cảm của mọi người hay lo lắng về việc mình có được yêu thích hay không chính là ở những người không tự ti, có sự giả tạo và yếu đuối. Với người trung thực, họ chẳng cần bận tâm về những mối quan hệ, họ chỉ đơn giản là nói ra sự thật dù cho sự thật đó sẽ làm mất lòng người nghe.
Ấu trĩ là gì? Tính cách, biểu hiện của người có suy nghĩ ấu trĩ
Không nịnh bợ cũng không nói dối
Người sống theo phong cách trung thực có đặc điểm là họ tôn thờ sự thật lên hàng đầu. Bất kể trong suy nghĩ hay là trong lời nói họ đều chỉ nói lên sự thật mà họ thấy. Hơn nữa họ không bao giờ muốn lấy lòng ai, không cố tình chiếm được thiện cảm hay tình cảm của mọi người nên họ không bao giờ phải nịnh bợ, nói những điều vuốt ve người khác, nói để mua vui nhằm đạt lợi ích cho bản thân mình.
Tuy nhiên điều này không có nghĩa họ là người thô thiển hay bất lịch sự. Một người sống trung thực hoàn toàn có thể khen và trầm trồ nếu trông thấy một đồng nghiệp diện một bộ váy đẹp, trang nhã hay tán dương một chiếc xe ô tô mới mua đẹp của bạn. Họ vẫn biết cách giao tiếp và khen thưởng với người xung quanh nhưng với điều kiện những lời khen phải là sự thật.
Tuân theo nguyên tắc sống
Một người có tính cách trung thực thì họ sẽ luôn có những nguyên tắc, kỷ luật của bản thân. Khi trước mắt họ là một người vô cùng quyền lực hay giàu có cũng không thể khiến bản thân bỏ đi tính cách trung thực của mình. Nguyên tắc bản thân đề ra là rất quan trọng đối với người trung thực. Đối với họ, lòng tôn thờ sự thật quan trọng hơn và họ sẽ không bao giờ đề ra một nguyên tắc rồi phá vỡ nó bởi họ trung thực với chính mình cũng như với những người xung quanh. Theo câu nói của William Shakespeare cũng có đề cập đến giá trị của lòng trung thực trong nguyên tắc sống: “Không di sản nào trên đời này quý giá bằng lòng trung thực”.
Lời nói và hành động có sự kết nối với nhau
Bạn sẽ luôn thấy tin tưởng những người sống trung thực bởi cách họ sống và làm việc rất logic. Họ đã nói gì là họ sẽ thực hiện đúng như vậy dù là điều nhỏ nhặt nhất. Những người trung thực luôn giữ chữ tín và sống có trách nhiệm với mỗi lời nói của mình. Họ luôn nhận được sự tín nhiệm và tin tưởng của hầu hết mọi người nhất là trẻ con bởi trẻ con luôn thích nghe sự thật, chúng rất nhạy cảm với lời nói dối và luôn muốn gần gũi những người lớn đã thực hiện đúng theo lời nói.
Ánh mắt nhìn thẳng chính trực
Biểu hiện của trung thực này có phần hơi cảm tính vì chỉ nhìn vẻ bên ngoài mà lại đánh giá một người. Sẽ có người nói rằng vậy làm sao chúng ta đánh giá được diễn viên, ca sĩ, người mẫu, hay những người làm nghệ thuật bởi trong chuyên môn họ sẽ được đào tạo, huấn luyện nên biết cách điều chỉnh ánh mắt, giọng nói của mình. Tuy nhiên thần thái và thái độ của một người sống trung thực rất khó mà bắt chước được.
Điển hình là người sống trung thực sẽ thể hiện điều đó qua ánh mắt cương trực, nhìn thẳng, không e ngại cũng không cần phải giấu giếm ánh mắt của mình. Ở họ luôn toát lên một vẻ rất đàng hoàng. Cũng có thể một người không dám nhìn thẳng chỉ bởi họ nhút nhát và tự ti chứ không hoàn toàn vì họ sống giả dối.
Công khai thừa nhận khuyết điểm của bản thân
Đã là con người thì không ai là hoàn hảo mà ai cũng có một vài khiếm khuyết nào đó. Người đã sống trung thực là sẽ trung thực cả với những sai sót, khuyết điểm của mình. Họ nhận thức rõ được những điều chưa được hoàn hảo của bản thân, và cũng không ngại ngần trong việc công khai sự thật đó cho mọi người. Những người trung thực luôn có thái độ thẳng thắn và thật thà trong bất cứ điều gì thuộc về bản thân.
Được coi là người đáng tin cậy
Nếu ở bên một người mà các bạn cảm thấy thoải mái chia sẻ, tâm sự, coi như điểm tựa vững chắc để bạn kể tất cả những điều mình nghĩ thì đó chắc hẳn phải là một người trung thực đáng tin cậy rồi. Họ sẽ có thể cho bạn những lời khuyên thật tình tới mức bạn không muốn nghe nhưng đó sẽ là điều tốt nhất cho bạn. Hơn nữa, bản tính trung thực của họ làm bạn thấy an tâm khi muốn chia sẻ câu chuyện của mình, khiến bạn nhìn ra được những sự thật. Ngoài ra một người sống trung thực sẽ không có nhu cầu đem câu chuyện của người khác ra để mua vui.
Vậy luôn sống trung thực thì liệu có tốt?
Qua những điều chia sẻ ở trên hẳn là các bạn đã thấy trung thực là một đức tính tốt và ai cũng nên trau dồi đức tính này để dần trở thành một người sống chỉn chu. Thế nhưng việc luôn sống trung thực bất kể hoàn cảnh nào, bất kể trước mắt là ai thì liệu có phải một điều đúng đắn?
Trong giao tiếp hàng ngày có những khi chúng ta sẽ cần phải nhạy cảm, tinh tế hơn, trước khi nói ra điều gì cần phải lắng nghe và suy nghĩ. Bạn hãy thử hình dung nếu bạn áp dụng tính trung thực tuyệt đối vào trường hợp này thì sao nhé!
Bạn tới thăm một người bạn lâu ngày mới được gặp, hai bạn có mối quan hệ hòa hợp nhiều năm với nhau. Người kia mời bạn đi ăn tại một quán mà họ rất hay thích ăn ở đó. Tuy vậy trong bữa ăn bạn lại cảm thấy hương vị không được hợp miệng lắm. Sau bữa ăn người bạn kia nhận thanh toán và lấy lý do là lâu ngày không gặp nên mời bạn, lúc về còn hỏi bạn là “đồ ăn hôm nay em thấy có ngon không” với vẻ mặt rất vui vẻ đang mong chờ câu trả lời.
Vậy thì luôn trung thực có phải là điều nên làm? Nếu lúc đó mà bạn áp dụng tính trung thực của mình vào thì liệu có phù hợp không? Tất nhiên là không nên rồi, cuộc đối thoại chắc chắn sẽ trở nên ngượng ngùng nếu như bạn nói hôm nay đồ ăn không hề ngon, phải không nào?
Thay vào đó thì bạn nên tùy tình huống để chú ý cách giao tiếp của mình, tránh làm tổn thương hay gây ra sự xấu hổ cho người khác, đồng thời khiến cho những mối quan hệ xung quanh bạn trở nên hài hòa, ấm áp. Đừng lúc nào cũng quá trung thực, chỉ cần bạn biết cách thể hiện và nói gián tiếp theo cách nào đó là người bạn kia sẽ ngầm hiểu thôi.
Ví dụ bạn có thể nói rằng “Thường ít khi em ăn những món như vậy, nhưng hôm nay được đi ăn và nói chuyện với anh, em thấy rất vui nên cảm giác món đó cũng khá là ngon đấy”. Câu nói như vậy vẫn phản ánh được sự thật nhưng không bị thẳng thắn, phũ phàng mà vẫn giữ được phép lịch sự trong giao tiếp xã hội.
Đó là trong những trường hợp đơn giản, không căng thẳng và rắc rối. Hãy tùy tình huống mà lựa lời làm thế nào cho hợp lý bạn nhé. Thêm nữa, ông bà ta đã có câu “Đi với bụt mặc áo cà sa còn đi với ma thì mặc áo giấy”. Chúng ta sống trung thực với những người hiểu chuyện, tốt bụng, những người đã hiểu rõ và sẵn sàng giúp đỡ mình là điều nên làm. Còn với những người luôn có ý muốn tổn thương mình mà chúng ta vẫn ngây thơ thành thật với người ta thì chỉ là đang tự hại bản thân mình thôi.
Với những ai tốt tính thì chúng ta sẽ trung thực đối xử lại với người ta như thế, và đối với ai đanh đá sắc sảo, gian dối thì nên nhận ra và tránh xa, hoặc học cách bảo vệ bản thân đừng để bị họ lừa dối, lợi dụng. Cũng không nên viện cớ tôi là người sống trung thực để ăn nói thô thiển, chê bai, làm tổn thương người khác rồi coi như không có gì, tính tôi như vậy.
Ý nghĩa của trung thực
Việc sống trung thực như đã nói ở trên là chúng ta cần lựa hoàn cảnh và người đứng trước mặt để bảo vệ chính bản thân nhưng sống trung thực lại đem về rất nhiều điều tốt đẹp.
Sống trung thực sẽ được yêu quý
Chúng ta sẽ luôn được mọi người quý mến vì đức tính đẹp này. Nhất là trong mắt những người lớn, người cao tuổi với tầm nhìn xa và đánh giá, nhìn thấu được những người còn trẻ chưa bước vào đời thì họ càng quý đức tính trung thực của một người trẻ. Đi đâu bạn cũng sẽ được mọi người quý vì đức tính trung thực của mình, có thể là ở hiện tại không giỏi giang nhưng với tính cách trung thực đã nói là sẽ làm thì sớm trong tương lai chúng ta sẽ có một nhân cách cao quý khiến ai cũng nể phục.
Sống trung thực sẽ được tin tưởng
Khi phong cách sống trung thực, ngay thẳng trở thành “thương hiệu” thì bạn sẽ luôn nhận được sự tín nhiệm và tin cậy từ tất cả mọi người. Trong trường hợp bạn “tình ngay lý gian”, không thể có cách trực tiếp giải thích thì trong lòng mọi người cũng vẫn sẽ nghĩ bạn là người tử tế. Lợi ích lớn nhất của việc làm người trung thực đó chính là khi có chuyện mọi người vẫn sẽ có cái nhìn thiện cảm và tin tưởng hơn dành cho bạn.
Sống trung thực sẽ nhận được sự kính nể
Những người theo phong cách sống trung thực vốn dĩ luôn nói lên sự thật mà không phải ai cũng dám nói, tính cách ngay thẳng công bằng là bản chất của họ. Chính vì vậy, họ có một đức hạnh mà khiến ai cũng nể sợ, thậm chí là kính nể vô cùng.
Sống trung thực giúp con người cảm thấy bình an thanh thản trong lòng
Khi chúng ta luôn luôn nói thật lòng mình, luôn sống đúng với bên trong suy nghĩ của mình thì hẳn sẽ luôn thấy bình an, nhẹ nhõm trong lòng. Điều này có được bởi vì người sống trung thực sẽ không làm điều trái với lương tâm của mình nên sẽ luôn sống có hiểu biết, có bình an và hạnh phúc, không bao giờ phải cắn rứt vì những gì đã qua.
Có lẽ với những thông tin vừa rồi thì các bạn đã hiểu trung thực là gì và ý nghĩa của trung thực rồi phải không. Nếu còn gì thắc mắc về vấn đề này, các bạn hãy để lại bình luận bên dưới cho chúng mình biết nhé.