Tiếng Việt có rất nhiều loại từ được sử dụng với những mục đích khác nhau trong câu. Từ ghép là loại từ thường được sử dụng nhiều nhất để nối 2 từ đơn thành 1 từ với nghĩa cụ thể rõ ràng. Vậy hôm nay hãy cùng chúng mình đi tìm hiểu từ ghép là gì, từ ghép tổng hợp các loại để củng cố thêm kiến thức này nhé.
Tóm tắt
Từ ghép là gì?
Từ ghép là loại từ vựng được tạo thành bởi hai từ đơn trở lên với điều kiện là những tiếng tạo nên từ ghép đó phải có nghĩa cụ thể, cụ thể nghĩa là mỗi từ đơn trong đó khi đứng một mình đều mang ý nghĩa.
Thường thì từ ghép có số lượng là hai từ đơn, trong nhiều trường hợp đặc biệt cũng có thể tồn tại từ ghép từ 3 từ.
Ví dụ 1: Áo quần là từ ghép được tạo thành bởi 2 từ đơn đó là “áo” và “quần”, ta thấy 2 từ đơn này khi đứng riêng 1 mình đều có nghĩa là đồ có tác dụng che cơ thể.
Ví dụ 2: Người lớn là từ ghép được cấu tạo bằng 2 từ là “người” và “lớn”. Từ “người” có nghĩa chỉ con người, “lớn” có nghĩa chỉ quy mô của một sự vật, sự việc hơn mức trung bình.
Ví dụ 3: Từ ghép “bóng bàn” được tạo bởi 2 từ đơn là “bóng” – chỉ một sự vật và “bàn” – nơi mà trò chơi diễn ra, đó đều là từ có ý nghĩa cụ thể và rõ ràng.
Phân loại từ ghép
Từ ghép có thể được chia thành 3 loại chính là từ ghép đẳng lập, từ ghép chính phụ và từ ghép tổng hợp.
Từ ghép đẳng lập
Khái niệm: từ ghép đẳng lập là loại từ ghép trong đó các tiếng đều có vai trò ngang nhau, không phân biệt đâu là tiếng chính hay đâu là tiếng phụ. Các tiếng của từ ghép đẳng lập bình đẳng với nhau về mặt ngữ pháp và có thể hoán đổi vị trí các từ mà nghĩa của từ ghép đó không thay đổi.
– Ví dụ về từ ghép đẳng lập: quần áo, bạn bè, sách vở, ông bà, mưa gió, cha mẹ, chú cháu, anh em, chị em, nghĩ suy, trường lớp, trầm bổng, ước mơ, xinh đẹp, bàn ghế, vợ chồng, xóm làng, trai gái…
– Ý nghĩa từ ghép đẳng lập:
- Từ ghép đẳng lập có nghĩa rộng hơn ý nghĩa của từng tiếng trong nó.
- Từ ghép đẳng lập sẽ có tính chất hợp nghĩa.
Từ ghép chính phụ
Khái niệm: từ ghép chính phụ là loại từ ghép được tạo bởi 2 từ đơn trong đó có 1 tiếng giữ vai trò chính và một tiếng có vai trò phụ. Tiếng chính đứng trước mang ý nghĩa bao quát còn tiếng phụ đứng sau nhằm để làm rõ nghĩa cho tiếng chính và nó sẽ phụ thuộc vào tiếng chính.
Khi không có tiếng chính thì tiếng phụ sẽ không mang ý nghĩa rõ ràng. Với từ ghép chính phụ chúng ta không thể đảo vị trí tiếng chính và tiếng phụ với nhau vì nghĩa của từ đó sẽ thay đổi. Từ ghép chính phụ hay còn được gọi là từ ghép phân loại.
– Ví dụ về từ ghép chính phụ:
Ví dụ 1: Xe đạp là một từ ghép chính phụ trong đó tiếng chính là từ “xe”, tiếng phụ là từ “đạp” bổ sung nghĩa cho “xe”.
Ví dụ 2: Từ ghép “ông nội” trong đó tiếng chính là từ “ông”, tiếng phụ là từ “nội”. Nếu nói ngược lại thì từ này không hề mang nghĩa gì.
Ví dụ 3: Các từ ghép chính phụ khác như: xe máy, thơm phức, tàu ngầm, tàu điện, bút chì, bút mực, bà nội, bà ngoại, cây xoài, cây bưởi, cây tre, bình nước, hoa hồng, hoa mai, con gà, con chó…
– Ý nghĩa từ ghép chính phụ:
- Tiếng phụ trong đó mang nghĩa hẹp hơn nghĩa của tiếng chính.
- Từ ghép đẳng lập có tính chất phân nghĩa rõ ràng.
Từ ghép tổng hợp
Khái niệm: từ ghép tổng hợp là loại từ ghép mà nghĩa của nó nhằm biểu thị rộng hơn, lớn hơn, khái quát hơn so với nghĩa từng tiếng trong từ. Mỗi từ ghép tổng hợp đều mang ý nghĩa nhất định, nhưng khi ghép 2 từ lại với nhau thì ý nghĩa của từ ghép sẽ bao quát hơn, mở rộng hơn. Từ ghép tổng hợp thường được dùng để chỉ người hoặc vật nói chung.
Ví dụ về từ ghép tổng hợp: xa lạ, ăn uống, rộng lớn, to lớn…
Từ Hán Việt là gì? Một số từ Hán Việt hay sử dụng phổ biến hiện nay
Một số lưu ý về từ ghép và từ láy
Ngôn ngữ Việt Nam khá phong phú, có nhiều sự phức tạp, đa dạng trong cấu tạo và cả ngữ nghĩa, nên phân biệt rõ rệt được các loại từ vựng với nhau rất khó và không phải ai cũng nắm rõ về vấn đề này. Trong đó từ ghép từ láy thường giống nhau nên hay nhầm lẫn. Chúng ta cần phải hiểu được và phân loại chúng, để dễ dàng hơn trong việc sử dụng trong cuộc sống hàng ngày.
Nhắc lại định nghĩa từ ghép và từ láy
– Từ ghép là những từ vựng được cấu tạo bằng cách ghép từ hai từ độc lập có liên hệ về nghĩa lại với nhau.
– Từ láy là từ được tạo thành bằng cách lặp lại một phần phụ âm hoặc nguyên âm hay có thể toàn bộ tiếng ban đầu. Ví dụ: lảo đảo, nhung nhớ, mong mỏi…
Từ láy không bao giờ được dùng để chỉ sự vật.
So sánh từ láy và từ ghép
– Từ ghép: các tiếng tạo thành từ đều có nghĩa, nhưng không có sự liên quan về âm vần: Ví dụ từ “trái cây” khi tách 2 từ “trái” và “cây” ra thì cả hai tiếng đều có nghĩa riêng nhưng không hề giống nhau về âm vần.
Ví dụ: yêu đương, sử dụng, đặc điểm, thông minh, tốt lành…
Từ ghép có tác dụng giúp thể hiện nghĩa của từ, của câu cần diễn đạt một cách sâu sắc, đa dạng, rõ nghĩa hơn với tất cả các ý.
– Từ láy là từ chỉ có một trong các tiếng tạo thành mang nghĩa, hoặc có thể không có từ nào trong nó có nghĩa. Khác với từ ghép, các tiếng tạo thành từ láy thường có sự giống nhau về phát âm (phần nguyên âm, phần phụ âm hoặc toàn bộ từ).
Ví dụ: mong manh, hấp tấp, gấp gáp, may mắn, hối hả, ào ào, mềm mại, rì rào, xấu xí…
Từ láy có nhiệm vụ tạo âm điệu, thể hiện sắc thái biểu cảm cho từ, nó giúp biểu thị tâm trạng, cảm xúc của người viết, người nói, được dùng như là một biện pháp tu từ trong văn học.
Các biện pháp tu từ và tác dụng của nó trong môn Ngữ Văn THPT
Cách nhận biết từ ghép
– Để phân biệt được từ ghép với các loại từ vựng khác, hay giữa các loại từ ghép với nhau thì chúng ta sẽ cần nhìn vào cấu tạo của từ đó về cấu trúc và nghĩa, tiến hành phân tách để biết.
– Nếu các tiếng trong từ có quan hệ về nghĩa và cả quan hệ về âm thì đó chính là từ ghép. Ví dụ: thúng mủng, bạn bè, mơ mộng, che chắn, phẳng lặng.
– Trong từ đó nếu có 1 tiếng mang ý nghĩa, 1 tiếng còn lại không có nghĩa gì nhưng 2 tiếng lại không có quan hệ trùng nguyên âm hay phụ âm thì đó là từ ghép.
– Trong từ đó có một từ gốc Hán Việt, hình thức giống như từ láy, nhưng các tiếng đều có nghĩa thì đó chính là từ ghép như: bình minh, tham lam, cần mẫn, bảo bối, hoan hỉ, chân chất, ban bố, hảo hạng…
– Từ mà các tiếng cấu thành không có quan hệ về âm lẫn về nghĩa, đều từ thuần Việt như: tắc kè, bù nhìn, bồ hóng và các từ mượn: mì chính, xà phòng… đó là dạng từ ghép đặc biệt.
– Từ mà chúng ta nhìn vào nó mang ý nghĩa bao trùm như: sách vở, ăn uống, hoa quả… đó chính là từ ghép.
– Từ mà mang tính chất phân loại người hay vật: “hạt thóc” phân biệt với “hạt ngô” hay “hoa sen” phân biệt với “hoa mai”… cũng chính là từ ghép.
Cách phân biệt hai loại từ ghép và từ láy
– Cách thứ nhất: Đảo lộn các tiếng trong từ
Cách đơn giản nhất để phân biệt từ ghép từ láy là đảo lộn các tiếng trong từ đó với nhau nếu sau khi đảo mà đọc lên vẫn hiểu nghĩa thì đó là từ ghép, nếu không có nghĩa là từ láy.
Ví dụ: từ “mong manh” là từ láy âm vì đảo ngược lại “manh mong” không có ý nghĩa gì còn với từ “bạn bè” đổi lại là “bè bạn” vẫn có nghĩa, vậy “mong manh” là từ láy, “bạn bè” là từ ghép.
– Cách thứ hai: Xem xét các tiếng tạo thành từ có tiếng nào là từ Hán Việt hay không?
Từ láy có 1 trong 2 âm tiết là từ Hán Việt thì nó là từ ghép, cho dù nhìn mặt hình thức nó có vẻ là từ láy:
Ví dụ: minh mẫn, cập kê, hoan hỉ, tử tế, tương tư…
– Cách thứ ba: Xem xét nghĩa của hai tiếng tạo thành từ.
Một từ mà có hai tiếng đều có nghĩa riêng như: máu mủ, trai trẻ, che chắn mặc dù hai tiếng đó có phần giống nhau về nguyên âm hay phụ âm thì từ đó vẫn không phải là từ láy, mà là từ ghép.
Bài tập từ ghép lớp 7
Bài tập 1
Sắp xếp các từ ghép sau: suy nghĩ, xanh ngắt, nhà máy, lâu đời, nhà ăn, ẩm ướt, đầu đuôi, cười nụ theo 2 loại từ ghép chính phụ và từ ghép đẳng lập.
Đáp án:
– Từ ghép chính phụ: lâu đời, nhà máy, xanh ngắt, nhà ăn, cười nụ.
– Từ ghép đẳng lập: đầu đuôi, suy nghĩ, ẩm ướt.
Bài tập 2
Điền thêm một từ vào sau các từ dưới đây để tạo thành một từ ghép chính phụ:
bút…, mưa…, làm…, vui…, thước…, ăn…, trắng…, nhát…
Đáp án:
Bút mực, mưa bão, thước kẻ, làm ăn, ăn bám, vui tai, trắng xóa, nhát gan.
Bài tập 3
Điền thêm một từ vào sau các từ dưới đây để tạo thành một từ ghép đẳng lập.
núi…, mặt…, ham…, xinh…, học…, tươi…
Đáp án:
Núi đồi, xinh đẹp, mặt dày, ham thích, học hành, tươi cười.
Bài tập 4
Vì sao ta có thể nói một quyển sách, một quyển vở mà không thể nói một quyển sách vở?
Đáp án:
Có thể nói một quyển sách, một quyển vở vì sách và vở là những danh từ chỉ sự vật tồn tại dưới dạng vật thể và có thể đếm được. Nhưng không thể nói một quyển sách vở vì sách vở là từ ghép đẳng lập có nghĩa tổng hợp chung cho cả hai loại.
Như vậy là bài viết trên của chúng mình đã giới thiệu khá cụ thể và chi tiết về từ ghép là gì, các loại từ ghép cũng như cách phân biệt chúng. Hi vọng đây sẽ là một tài liệu tham khảo cho các em học sinh cũng như các quý vị phụ huynh trong mùa dịch này. Còn rất nhiều bài viết bổ ích trên Palada.vn, hãy cùng theo dõi và để lại bình luận để chúng mình biết được ý kiến của các bạn nhé.