Như chúng ta đã biết thì văn hóa Việt Nam chịu ảnh hưởng khá lớn từ văn hóa Trung Quốc nên có nhiều từ vựng của tiếng Hán cổ đã được du nhập vào trong ngôn ngữ của người Việt Nam, gọi là từ Hán Việt và dần trở thành một bộ phận quan trọng không thể thiếu trong hệ thống từ vựng tiếng Việt. Hãy cùng Palada.vn tìm hiểu về từ Hán Việt và cách sử dụng từ Hán Việt trong cuộc sống hàng ngày nhé.
Tóm tắt
Từ Hán Việt là gì?
Từ Hán Việt hay từ ghép Hán Việt là gì? Đây là những từ vựng tiếng Việt có nguồn gốc từ tiếng Trung Quốc nhưng được đọc theo âm của tiếng Việt. Cùng với sự ra đời của chữ quốc ngữ thì từ Hán Việt ngày nay được ghi lại bằng ký tự Latinh.
Phân loại từ Hán Việt
Các nhà nghiên cứu đã chia tất cả từ Hán Việt thành 3 loại như sau: từ Hán Việt, từ Hán Việt cổ và từ Hán Việt Việt hoá.
– Từ Hán Việt là các từ tiếng Hán được sử dụng trong tiếng Việt vào giai đoạn thời nhà Đường đô hộ nước ta trong thời gian đầu thế kỷ 10. Phân biệt với từ Hán Việt cổ:
+ Từ Hán Việt cổ có nguồn gốc tiếng Hán trước nhà Đường.
+ Từ Hán Việt có nguồn gốc từ tiếng Hán thời nhà Đường.
Ví dụ như lịch sử, gia đình, tự nhiên…
– Từ Hán Việt cổ là các từ tiếng Hán đã được sử dụng trong tiếng Việt trước thời nhà Đường.
Một số từ Hán Việt cổ được sử dụng phổ biến nhất có thể kể tới như: Tươi: âm Hán Việt cổ là “tiên”. Bố: âm Hán Việt cổ là “phụ”. Xưa: âm Hán Việt cổ là “sơ”. Búa: âm Hán Việt cổ là “phủ”. Buồn: âm Hán Việt cổ là “phiền”. Kén: âm Hán Việt cổ là “giản”. Chè: âm Hán Việt cổ là “trà”.
– Từ Hán Việt Việt hoá: gồm các từ Hán Việt mà không nằm trong 2 trường hợp nêu trên khi chúng có quy luật biến đổi ngữ âm rất khác. Hiện nay nhà nghiên cứu vẫn đang tìm hiểu sâu hơn về trường hợp này.
Một số từ Hán Việt dạng này đó là: Gương có âm Hán Việt là “kính”. Goá có âm Hán Việt là “quả”. Cầu dùng trong “cầu đường” có âm Hán Việt là “kiều”. Vợ có âm Hán Việt là “phụ”. Cướp có âm Hán Việt là “kiếp”. Trồng: âm Hán Việt của “chúng”. Thuê có âm Hán Việt là “thuế”.
Phân biệt từ Hán Việt với một số từ mượn khác
Từ mượn phần lớn là lấy từ tiếng nước ngoài như Nga, Anh, Pháp. Chúng có thể được nhận ra dễ dàng qua cách đọc, nói và theo thời gian đã thích nghi với chuẩn mực tiếng Việt. Khi sử dụng các từ mượn trong cuộc sống hàng ngày thì chúng ta cũng không cảm thấy xa lạ hay khác biệt quá nhiều.
Ví dụ:
– Từ mượn tiếng Anh: tiếng Anh phổ biến nhất trên thế giới vì vậy có khá nhiều từ mượn tiếng Anh xuất hiện trong tiếng Việt. Ví dụ như: taxi, video, rock, internet, sandwich, radar, shorts, show, jeep, clip, PR…
– Từ mượn tiếng Pháp: trước kia nước ta là thuộc địa của Pháp cho nên người Việt cũng có sử dụng các từ mượn tiếng Pháp. Ví dụ như: cacao (ca cao), bière (bia), café (cà phê), fromage (pho mát), chou-fleur (súp lơ), jambon (giăm bông), balcon (ban công), ballot (ba lô), béton (bê tông), clé (cờ lê), coffrage (cốt pha, cốp pha), compas (com pa), chou-rave (su hào), complet (com lê), crème (kem, cà rem), cravate (cà vạt, ca-ra-vát), cresson (cải xoong)…
Đặc điểm của từ Hán Việt là gì?
Chúng ta sử dụng từ Hán Việt nhằm biểu đạt nhiều sắc thái khác nhau như sắc thái ý nghĩa, sắc thái biểu cảm, sắc thái phong cách…
– Sắc thái ý nghĩa: từ Hán Việt giúp thể hiện sắc thái ý nghĩa trừu tượng, khái quát.
Ví dụ: thảo mộc: cây cỏ, thổ huyết: hộc máu, viêm: loét…
– Sắc thái biểu cảm: từ Hán Việt trong nhiều trường hợp sẽ giúp thể hiện cảm xúc tốt hơn.
Ví dụ: chết: băng hà, phu nhân: vợ…
– Sắc thái phong cách: nhiều từ Hán Việt riêng biệt được dùng trong các lĩnh vực như khoa học, hành chính, chính luận. Nếu sử dụng từ thuần Việt trong các trường hợp này thì câu văn sẽ có sắc thái đơn giản và đời thường hơn.
Ví dụ: bằng hữu: bạn bè, thiên thu: ngàn năm, huynh đệ: anh em…
Lưu ý gì khi sử dụng từ Hán Việt?
Từ Hán Việt thường mang một sắc thái trang trọng, được sử dụng nhiều trong các lĩnh vực chính trị, triết học, kĩ thuật, Phật giáo, giáo dục, pháp luật,…
Ví dụ: Quốc gia: 国家 /guójiā/, phu nhân: 夫人 /fūrén/, học giả: 学者 /xuézhě/, tổ tiên: 祖先 /zǔxiān/, quốc hoa: 国花 /guóhuā/…
Các từ Hán Việt hình thành do sự tiếp xúc ngôn ngữ của người Hán và Việt. Tuy nhiên, theo thời gian, cùng với sự phát triển của ngôn ngữ, những từ ngữ Hán Việt đã khác xa so với ngôn ngữ Trung Quốc hiện đại. Vì vậy chúng ta khi sử dụng từ âm Hán Việt cần thận trọng lưu ý, bởi không phải lúc nào cũng có sự tương ứng giữa 2 ngôn ngữ hoặc có nhiều trường hợp quá lạm dụng từ Hán Việt gây ra những sai sót hoặc hiểu lầm.
Trong từ Hán Việt cũng có nhiều từ đồng âm nhưng khác nghĩa:
Ví dụ:
+ Cùng là một âm Hán Việt “Hồng” nhưng lại có những cách viết khác nhau và nghĩa từ đó cũng hoàn toàn khác nhau như 红 /hóng/: màu đỏ và 鸿 /hóng/: con chim nhạn.
+ Cùng là một âm Hán Việt là “Minh” nhưng lại có các cách viết khác nhau và nghĩa cũng hoàn toàn khác nhau như “明” /míng/: sáng, rõ ràng và “冥” /míng/: tối tăm, u tối.
+ Cùng là một âm Hán Việt là “Ngộ” nhưng lại có những cách viết khác nhau và nghĩa cũng hoàn toàn khác nhau như 遇 /yù/: gặp nhau và 悟 /wù/: hiểu ra, ngộ ra.
Có nhiều trường hợp lạm dụng từ Hán Việt nên nghĩa bị thay đổi hoặc dùng không đúng với sắc thái biểu cảm hay đúng tình huống giao tiếp. Một số nguyên nhân cơ bản đó là:
– Sử dụng từ Hán Việt sai vì không hiểu nghĩa gốc Hán Việt, ví dụ:
+ Nhầm lẫn giữa từ “khả năng” – nghĩa là năng lực của một người có thể làm được việc gì đó với từ “khả dĩ”.
+ Từ “quá trình” nghĩa là đoạn đường đã đi qua: “quá” là đã qua, còn “trình” là đoạn đường. Nếu viết “quá trình” dùng ở thì tương lai “quá trình thực hiện công tác sắp tới của tôi sẽ rất thuận lợi” sẽ vô cùng sai. Có thể sử dụng từ Hán Việt “tiến trình” cho câu trên.
+ Ta có thể viết “hôn lễ” (nghĩa là lễ cưới), “hôn phối” (nghĩa là lấy nhau). Nhưng nếu nói hôn phu, hôn thê, hôn quân lại có nghĩa là người chồng u mê, người vợ u mê, nhà vua u mê…
– Sử dụng từ Hán Việt sai vì không phân biệt được tiếng Hán Việt với tiếng thuần Việt (tiếng Nôm), ví dụ như:
+ Chữ “góa phụ” trong sách báo hay dùng chỉ người đàn bà có chồng đã chết. Tính từ “góa” là một từ tiếng Nôm không thể đặt trước danh từ “phụ”. Chúng ta nên gọi là gái góa (toàn Nôm), hay là “quả phụ” (toàn Hán Việt).
+ Từ “nữ nhà báo” cũng là 1 từ thường được dùng trên các phương tiện truyền thông. Nhà báo là từ tiếng Nôm nên phải dùng là “nhà báo nữ”, hoặc dùng ba từ Hán Việt là “nữ ký giả” hoặc “nữ phóng viên”.
+ Lạm dụng và sử dụng từ Hán Việt sai khá phổ biến khi kết hợp từ “tặc” (ăn cướp) với nhiều từ khác như: tôm tặc, vàng tặc, cà phê tặc, đinh tặc… dùng để chỉ những tên ăn trộm.
Cách dùng này trước tiên là sai về ngữ pháp (một từ đơn thuần Việt không thể ghép với một từ đơn Hán Việt để thành một từ ghép), sau đó là sai về nghĩa: tặc là ăn cướp, đạo mới là ăn trộm. Thay vì sính dùng những từ Hán Việt, ta có thể nói đơn giản là: bọn ăn trộm tôm, bọn ăn trộm vàng, bọn ăn trộm cà phê…
Hiện từ “đinh tặc” cũng đang được nhiều tờ báo dùng với tần suất lớn với nghĩa chỉ những kẻ rải đinh trên đường, trong khi “đinh tặc” thật ra chỉ có nghĩa là bọn ăn cướp đinh, nếu như dùng để chỉ bọn rải đinh trên đường thì sẽ là sai nghĩa.
– Nhiều từ Hán Việt bị hiểu sai nên dẫn đến viết sai: từ “tham quan” nghĩa là đi chơi để ngắm cảnh thay từ “thăm quan”; “lặp lại” viết thành “lập lại”, “chấp bút” viết thành “chắp bút”, “trùng lặp” viết thành “trùng lắp”, “hằng ngày” viết thành “hàng ngày”, “điểm yếu” thành “yếu điểm”, “thập niên” viết thành “thập kỷ”…
Nguyên âm là gì? Phụ âm là gì? Phân biệt nguyên âm và phụ âm
Một số từ Hán Việt phổ biến
Ác giả ác báo, thiện lai thiện báo: Làm ác gặp điều ác, làm thiện gặp điều thiện.
An cư lạc nghiệp: Có chỗ ở ổn định và công việc tốt lành.
An thân, thủ phận hay An phận, thủ thường: Chỉ những người bằng lòng với số phận và cuộc sống hiện tại của bản thân.
Án binh bất động: Giữ yên hiện trạng, không tiến không lùi.
Anh hùng xuất thiếu niên: Trở thành anh hùng từ khi còn rất trẻ tuổi.
Bách niên giai lão: Trăm năm bạc đầu (câu chúc vợ chồng sống bên nhau dài lâu).
Bán tín bán nghi: Nửa tin nửa ngờ, phân vân về một vấn đề.
Băng thanh ngọc khiết: Người con gái trong trắng như băng như ngọc
Bất chiến tự nhiên thành: Không đánh mà cũng thắng.
Bất cộng đái thiên: Thù không thể đội trời chung.
Bất di bất dịch: Không di chuyển, ở yên 1 chỗ.
Bất đắc kỳ tử: Chưa đến lúc chết mà đã phải chết.
Bất nhập hổ huyệt, bất đắc hổ tử: Không vào hang cọp làm sao bắt được cọp con.
Bần cùng sinh đạo tặc. Phú quý sinh lễ nghĩa: Ý nói khi nghèo khó con người có thể trở thành trộm cắp, khi giàu sang lại trở nên bày vẽ màu mè.
Bất tài vô tướng: Không có khả năng gì cũng không có tướng mạo, nghĩa là vừa bất tài vừa xấu xí.
Bất khả chiến bại: Không thể bị đánh bại, chỉ thắng, không thua bao giờ.
Binh quý xuất kỳ bất ý: Trong binh pháp điều quý nhất là tấn công bất ngờ.
Cải tà quy chính: Bỏ phe tà đạo để theo chính.
Cầm kỳ thi hoạ: Gồm 4 tài năng đó là đánh đàn, chơi cờ, làm thơ và vẽ tranh.
Cẩn ngôn vô tội, cẩn tắc vô ưu: Giữ gìn lời nói thì sẽ không dễ phạm lỗi, cẩn thận thì sẽ không phải lo lắng gì.
Cao nhân tất hữu cao nhân trị: Người giỏi rồi cũng ắt có người giỏi hơn.
Can tràng tấc đoạn: Đau đớn như ruột gan bị đứt lìa.
Cận mặc giả hắc, cận đăng giả minh: Tương đương với câu “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” trong tục ngữ Việt Nam.
Châu liền bích lạc: Chỉ sự kết hợp vô cùng ăn khớp.
Châu về hợp phố: Những gì quý giá rồi cũng trở lại với chủ cũ.
Chính nhân quân tử: Con người cư xử quân tử.
Công thành danh toại: Công danh sự nghiệp đã được hoàn tất, toại nguyện.
Cốt nhục tương tàn: Cùng chung huyết thống mà giết hại lẫn nhau.
Cử án tề mi: nâng án ngang mày nghĩa là vợ quý trọng chồng nâng khay dâng lên chồng.
Cửu ngũ chí tôn: chỉ những bậc vua chúa quyền quý.
Danh bất hư truyền: nổi tiếng như vậy quả là không sai
Danh chính, ngôn thuận, sự tất thành: Có tính chính danh, có lời lẽ hợp tình thì sự việc ắt sẽ thành công.
Danh sư xuất cao đồ: Thầy giỏi cũng sẽ đào tạo ra những học trò giỏi.
Dĩ hoà vi quý: Giữ được hòa khí chính là điều quý nhất.
Dĩ độc trị độc: Lấy độc trị độc mới hết bị trúng độc, tương tự như câu “Gậy ông đập lưng ông” trong tục ngữ Việt Nam.
Du sơn ngoạn thuỷ: Đi chơi ở nơi núi xanh và ngắm nhìn nước biếc.
Dục hoãn cầu mưu: Kéo dài thời gian nhằm để tìm mưu kế.
Dục tốc bất đạt: Muốn nhanh thì sẽ hóa chậm, vội vàng sẽ không mang đến thành tựu.
Các biện pháp tu từ và tác dụng của nó trong môn Ngữ Văn THPT
Duy ngã độc tôn: Một kẻ tự xem mình là người cao quý nhất.
Dương dương tự đắc: Người không biết khiêm tốn, vênh vang đắc ý.
Dưỡng hổ di họa: Nuôi cọp trong nhà rồi sẽ mang họa (tương tự với câu “Nuôi ong tay áo” trong tục ngữ Việt Nam)
Đả thảo kinh xà: Cắt cỏ làm động đến rắn (tương tự với câu “Bứt dây động rừng”)
Đại khai sát giới: Xuống dao để giết người
Đại ngu nhược trí: Một kẻ vô cùng ngu muội nhưng lại thích tỏ ra thông minh.
Đại trí nhược ngu: Người vô cùng khôn ngoan nhưng lại luôn giả vờ ngu si.
Điểu vị thực vong, nhân vị lợi vong: Chim vì miếng ăn mà chết, người vì cái lợi mà chết.
Đa mưu, túc trí: Chỉ người lắm mưu nhiều kế.
Đại từ đại bi: Có lòng rất từ bi rất nhân ái.
Đồng sàng dị mộng: Nằm cùng giường nhưng lại khác suy nghĩ, tư tưởng, thường được sử dụng cho vợ chồng.
Đồng bệnh tương lân: Cùng bệnh và ở gần thấu hiểu nhau.
Đồng cam cộng khổ: Cùng nhau chia sẻ những khổ cực hoạn nạn.
Đồng tâm hiệp lực: Cùng tâm chí cùng hợp sức.
Đồng quy ư tận: cùng nhau chết chung.
Động phòng hoa chúc: Chú rể vào phòng cưới với cô dâu.
Đơn thương độc mã: Một gươm một ngựa một thân một mình cô độc.
Đức cao trọng vọng: Người có sự tôn nghiêm cao quý.
Hổ phụ sinh hổ tử: Cha giỏi sinh con giỏi, gần với câu “Cha nào con nấy” trong tục ngữ Việt Nam.
Hổ phụ sinh khuyển tử: Cha hổ sinh con chó: cha tài giỏi mà con lại chẳng ra gì.
Hoạn lộ, họa lộ: Đường thăng quan tiến chức là đường dẫn đến tai họa.
Hoàng thân quốc thích: Có họ hàng máu mủ với vua chúa.
Hoàng thiên bất phụ hảo tâm nhân: Trời sẽ không quên người hiền đức.
Hồi tâm chuyển ý: Người thay đổi ý định.
Hồng nhan bạc mệnh: Người đẹp nhưng yểu mệnh, chết sớm.
Huynh đệ như thủ túc: Anh em ruột như thể chân tay khó chia lìa.
Khai chi tán diệp: Tương tự như câu “Đâm chồi nảy lộc”, ý chỉ việc có con đàn cháu đống, nối dõi tông tường.
Khẩu Phật tâm xà: Miệng nói từ bi nhưng trong tâm đầy rắn rết, ác độc.
Khẩu thị tâm phi: Miệng nói một đằng đầu nghĩ một nẻo.
Kim chi ngọc diệp: Cành vàng Lá ngọc, chỉ người con gái trong gia đình cao quý.
Vạn bất đắc dĩ: Không muốn nhưng cũng đành phải trái ý mình.
Vạn sự khởi đầu nan: Mọi việc đều khó ở lúc đầu.
Vạn sự như ý: Tất cả đều đạt vừa ý.
Văn võ song toàn: Chỉ người toàn vẹn, văn cũng hay mà võ cũng giỏi.
Vân đạm phong khinh: Điềm nhiên như mây, như gió.
Vô công bất thụ lộc: Không có công không cần thưởng.
Tái ông thất mã: Thành ngữ này xuất phát từ câu chuyện Tái ông mất ngựa mà ra. Để chỉ điều gì đó xui xẻo mà chưa chắc đã xui xẻo. Nó có nghĩa tương đương với câu thành ngữ “của đi thay người”.
Thế thiên hành đạo: Thay trời trừng phạt kẻ có tội mà kẻ này vì lý do gì đó không bị pháp luật trừng trị.
Thiên bất dung gian: Trời không tha cho những kẻ gian tà hay kẻ có hành động xấu xa.
Thiên ngoại hữu thiên, nhân ngoại hữu nhân: Câu này nghĩa đen là bên ngoài bầu trời có bầu trời khác, nghĩa bóng là người hay có người khác hay hơn. Tương đương với câu tục ngữ “cao nhân đắc hữu cao nhân trị”.
Với bài viết vừa rồi hi vọng các bạn đã hiểu hơn về từ Hán Việt là gì và cách sử dụng từ Hán Việt sao cho chính xác nhất. Từ Hán Việt tuy nó có nguồn gốc từ tiếng Hán, nhưng lại hoàn toàn là của người Việt, được dùng theo cách của người Việt. Nên việc hiểu đúng và dùng đúng ngữ nghĩa của từ Hán Việt là chúng ta đang góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, bổ sung và làm giàu thêm vốn từ vựng phong phú, nối dài nét đẹp trong văn hóa và chữ viết của người Việt. Nếu còn bất kỳ thắc mắc gì về chủ đề này, các bạn hãy để lại comment cho chúng mình biết nhé.