Liên minh châu Âu EU là một trong những liên minh quyền lực nhất trên thế giới. Khối liên minh EU đã mang lại lợi ích to lớn về chính trị, kinh tế và xã hội cho các quốc gia thành viên. Dựa trên mối quan hệ với khối liên minh EU, Việt Nam cũng hưởng không ít lợi ích từ tổ chức này. Vậy EU là gì, có chức năng gì? Lợi ích và giá trị mà EU mang đến cho thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng là gì?
Tóm tắt
EU là tổ chức gì?
EU là viết tắt của European Union, nghĩa là liên minh Châu Âu. Đây là liên minh kinh tế – chính trị bao gồm 27 quốc gia thành viên thuộc châu Âu.
Liên minh châu Âu EU được thành lập bởi Hiệp ước Maastricht ngày 1/11/1993. Với hơn 500 triệu dân, EU được xem là tổ chức thương mại quốc tế lớn nhất và có quyền lực nhất trên thế giới, nơi tập trung các quốc gia có nền kinh tế hùng mạnh như Đức, Anh, Pháp, Tây Ban Nha.
EU có diện tích là 4.422.773 km², với tổng GDP là 11.6 nghìn tỷ euro (~15.7 nghìn tỷ USD) trong năm 2007.
Cơ cấu tổ chức của EU
EU là một tổ chức kinh tế, chính trị đặc thù với mức độ liên kết sâu sắc. Về cơ bản, cơ cấu tổ chức của EU gồm có: Hội đồng châu Âu, Hội đồng Bộ trưởng, Nghị viện châu Âu và Uỷ ban châu Âu.
1. Hội đồng châu Âu (European Council)
– Hội đồng châu Âu là cơ quan quyền lực cao nhất của Liên minh châu Âu EU gồm lãnh đạo của 27 nước thành viên, Chủ tịch Hội đồng châu Âu và Chủ tịch EC. Hội đồng này sẽ đưa ra định hướng và ưu tiên chính trị cho cả khối, cùng với Nghị viện châu Âu thông qua các đạo luật của EU và ngân sách chung của Liên minh châu Âu. Các quyết định của Hội đồng châu Âu được thông qua theo hình thức đồng thuận.
– Chủ tịch Hội đồng châu Âu có nhiệm kỳ 2.5 năm (tối đa 2 nhiệm kỳ).
2. Hội đồng Bộ trưởng (tên gọi được lấy sau Hiệp ước Lisbon của Council of the European Union hoặc Council of Ministers hoặc The Council)
– Hội đồng Bộ trưởng gồm đại diện (thường là cấp Bộ trưởng) của các quốc gia thành viên, là cơ quan đưa ra những định hướng chính sách trong các lĩnh vực cụ thể và khuyến nghị EC xây dựng các đạo luật chung.
– Ngoài Hội đồng Ngoại trưởng do Đại diện cấp cao về Chính sách đối ngoại và An ninh của EU làm Chủ tịch, Chủ tịch Hội đồng các Bộ trưởng khác do quốc gia Chủ tịch luân phiên đảm nhiệm.
3. Nghị viện châu Âu (European Parliament – EP)
Nghị viện châu Âu có chức năng chính là cùng với Hội đồng Bộ trưởng ban hành luật pháp; giám sát các cơ quan của Liên minh châu Âu EU, Ủy ban châu Âu. Nghị viện có quyền thông qua hoặc bãi nhiệm các chức vụ ủy viên trong Ủy ban châu Âu; cùng Hội đồng Bộ trưởng có thẩm quyền đối với ngân sách, đối với việc chi tiêu của Liên minh.
Từ năm 1979, các Nghị sĩ của Nghị viện EU được bầu cử trực tiếp, nhiệm kỳ 5 năm. Trong Nghị viện, các Nghị sĩ phân chia theo các nhóm chính trị khác nhau mà không theo Quốc tịch.
4. Ủy ban châu Âu (European Commission – EC)
– Ủy ban châu Âu EU là cơ quan hành pháp của khối. EC hoạt động độc lập, có chức năng xây dựng, kiến nghị các đạo luật, thực thi, áp dụng và giám sát việc triển khai các hiệp ước chung và điều luật của EU, sử dụng ngân sách chung để thực hiện các chính sách chung của khối theo quy định.
– Chủ tịch Ủy ban do Chính phủ các quốc gia thành viên nhất trí đề cử. EC có 26 ủy viên và 1 Chủ tịch từ 27 nước thành viên. Các ủy viên được bổ nhiệm dựa trên thỏa thuận giữa các nước thành viên và được Nghị viện phê chuẩn, có nhiệm kỳ 5 năm.
Danh sách 27 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu EU
Dưới đây là danh sách 27 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu EU xếp theo năm gia nhập:
- 1957: Bỉ, Đức, Luxembourg, Pháp, Italy, Hà Lan
- 1973: Đan Mạch, Anh, Ireland
- 1981: Hy Lạp
- 1986: Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha
- 1995: Áo, Thụy Điển, Phần Lan
- Ngày 1/5/2004: Séc, Hungary, Slovakia, Slovenia, Litva, Latvia, Ba Lan,Estonia, Malta, Cộng hòa Síp
- Ngày 1/1/2007: Romania, Bulgaria.
Mục tiêu của Liên minh châu Âu (EU)
Mục tiêu của Liên minh Châu Âu EU là thiết lập và hoàn thiện thị trường nội bộ thống nhất thông qua việc phát hành đồng tiền chung; xóa bỏ hàng rào thuế quan giữa các quốc gia thành viên; xây dựng một hàng rào thuế quan thống nhất đối với hàng hoá nhập từ nước ngoài vào; xoá bỏ những hạn chế đối với việc tự do di chuyển vốn sức lao động hàng hoá dịch vụ…nhằm tăng cường hợp tác, liên kết giữa những quốc gia thành viên.
Chức năng của EU là gì?
Các mục tiêu hiện tại đang được EU nhắm tới gồm có:
- Thúc đẩy hòa bình và phúc lợi xã hội cho hơn 500 triệu công dân.
- Đem lại sự tự do, an ninh an toàn và công bằng xuyên biên giới
- Duy trì phát triển bền vững dựa trên sự tăng trưởng về kinh tế và ổn định giá cả, nền kinh tế có sự cạnh tranh cao, mang lại nhiều cơ hội việc làm, tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường.
- Kết hợp loại bỏ đói nghèo và sự phân biệt đối xử.
- Thúc đẩy tiến bộ khoa học và kỹ thuật.
- Tăng cường sự liên kết trong kinh tế, xã hội, liên kết lãnh thổ và sự đoàn kết giữa các quốc gia trong khối EU.
- Tôn trọng sự đa dạng văn hóa và ngôn ngữ.
- Thành lập liên minh kinh tế và đồng tiền chung được sử dụng hiện tại là Euro.
Các giá trị mà EU mang lại là gì?
Giá trị cốt lõi là một phần không thể thiếu của liên minh châu Âu EU. Tất cả 27 quốc gia thành viên luôn giữ được sự hòa hợp, khoan dung, công bằng, đoàn kết và không phân biệt đối xử. Đây chính là nền tảng giá trị cốt lõi.
- Tự do – Tự do đi lại tại bất cứ quốc gia nào thuộc khối Liên minh Châu Âu. Các quyền tự do trong tư tưởng, tôn giáo, ngôn ngữ và quyền bảo mật thông tin được đề cập tại Hiến Chương về các quyền cơ bản của EU.
- Dân chủ – Eu được xây dựng theo mô hình dân chủ đại diện , có nghĩa là tất cả các nước thành viên trong EU đều được hưởng các quyền chính trị cơ bản như quyền bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử Quốc hội Châu Âu hay quyền tranh cử với tư cách là ứng viên, bỏ phiếu tại quốc gia thường trú hoặc tại nơi sinh ra.
- Bình đẳng – Nguyên tắc bình đẳng giữa nam và nữ là trọng tâm trong tất cả các chính sách của EU, trong tất cả các lĩnh vực. Nguyên tắc trả lương ngang nhau đã trở thành một phần của Hiệp ước Rome từ năm 1957. Mặc dù vẫn còn sự bất bình đẳng trong đó, tuy nhiên liên minh EU đã hạn chế được phần nào.
- Luật pháp – Nền tảng của EU, tất cả những gì mà EU thực hiện đều thông qua các hiệp ước mang tính tự nguyện và dân chủ. Luật pháp và công lý được duy trì độc lập bởi cơ quan tư pháp riêng biệt. Tòa án Công lý Châu Âu (European Court of Justice) là nơi bảo vệ phán quyết cuối cùng và phải được sự tôn trọng bởi các quốc gia thành viên.
- Nhân quyền – được bảo vệ bởi Hiến chương quyền cơ bản của EU, những quyền này bao gồm: quyền không bị phân biệt đối xử dựa vào giới tính, chủng tộc, sắc tộc, tôn giáo, tuổi tác hoặc khuynh hướng tình dục (đồng tính), quyền được bảo mật thông tin cá nhân và được tiếp cận với công lý
Mối quan hệ Việt Nam với Liên minh châu Âu EU
- 1990: Việt Nam và Liên minh châu Âu EU thiết lập quan hệ ngoại giao.
- 1992: Việt Nam và Liên minh châu Âu EU ký Hiệp định dệt may.
- 1995: Việt Nam và Liên minh châu Âu EU ký Hiệp định Khung Hợp tác Việt Nam – EC.
- 1996: Ủy ban châu Âu thành lập Phái đoàn Đại diện tại Việt Nam.
- 1997: Việt Nam tham gia Hiệp định hợp tác ASEAN – EU.
- 2003: Việt Nam và Liên minh châu Âu EU chính thức tiến hành đối thoại nhân quyền.
- 2004: Hội nghị Cấp cao Việt Nam – Liên minh châu Âu EU lần thứ I tại Hà Nội.
- 2005: Việt Nam thông qua Đề án tổng thể và Chương trình hành động đến năm 2010 và định hướng tới năm 2015 về quan hệ Việt Nam – Liên minh châu Âu EU
- 2007: Tuyên bố khởi động đàm phán Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam – EU (PCA).
- 2008: Đàm phán Hiệp định PCA giữa Việt Nam và EU
- 2010: Ký tắt Hiệp định PCA giữa Việt Nam và EU.
Việt Nam và Liên minh châu Âu EU chính thức thiết lập mối quan hệ ngoại giao vào ngày 28-11-1990. Năm 1996, EU chính thức mở Phái đoàn Đại diện thường trực đặt tại Hà Nội.
Kể từ đó đến nay, quan hệ giữa hai bên đã đi vào khuôn khổ, phát triển nhanh chóng về cả chiều rộng và chiều sâu. Liên minh châu Âu EU trở thành một trong các đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Liên minh châu Âu EU đang trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch thương mại 2 chiều tăng trung bình từ 15-20% năm. Về đầu tư, hầu hết các quốc gia thành viên và các tập đoàn lớn của EU đều đã đầu tư vào Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm:
Hy vọng bài viết đã giúp bạn đọc hiểu được Liên minh châu Âu là gì. Trong suốt 30 năm hình thành và phát triển, khối Liên minh Châu Âu luôn là lực lượng kinh tế mạnh mẽ, nỗ lực thúc đẩy kinh tế phát triển, hòa bình ổn định của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.