Tên các vị thần Ai Cập cổ đại được “sùng bái” nhất

Trong thần thoại Ai Cập có rất nhiều vị thần, vì cư dân thời cổ đại tin rằng tất cả mọi thứ trong trời đất này đều được cai quản bởi các vị thần Ai Cập. Các đền thờ thần có ở khắp mọi nơi, với mong muốn của người dân là sẽ nhận được sự phù hộ của các vị thần cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Dưới đây là top 10 những vị thần Ai Cập cổ đại được sùng bái nhất.

Thần Shu & thần Tefnut

Shu và Tefnut là cặp vợ chồng thần linh được biết đến như là đại gia đình của thần Ra.

Được coi là cặp đôi đầu tiên trong các vị thần Ai Cập cổ đại, vậy từ đâu mà sinh ra Shu và Tefnut? Bạn nghĩ đúng rồi đấy, tất nhiên là từ Ra mà ra. Người ta kể rằng, trong một lần hắt xì hơi vị thần Mặt trời tối cao đã phun ra Shu và Tefnut.

Shu là thần gió hay không khí, tên ông nghĩa là “Trống không”, còn Tefnut lại là nữ thần của độ ẩm. Có thể thấy là, xếp sau mặt trời, thì người Ai Cập muốn có những vị thần bảo hộ hai yếu tố thiên nhiên thiết yếu còn lại để trồng trọt, chăn nuôi đó là gió và hơi ẩm.

Thần Shu mang 1 thân hình đàn ông khỏe khoắn, thi thoảng lại xuất hiện với cái đầu sư tử, trên tóc của thần có cài một cọng lông vũ gọi là cọng lông chính nghĩa.

Hai vợ chồng Shu và Tefnut

Sau khi thần Ra bắt đầu thực hiện cuộc hành trình của mình, Shu được ông trao lại cho ngôi vị. Đến sau này khi đã mệt mỏi, ông theo Ra lên trời để trợ giúp chống lại con rắn hỗn mang Apep.

Tefnut mang thân hình phụ nữ, bà hay xuất hiện với cái đầu sư tử cái.

Một lần nọ, Tefnut và Ra nảy sinh hiềm khích, cô khó chịu liền mang theo nước và độ ẩm chuyển sang Nubia. Đất đai khắp mọi nơi trở nên khô cằn vì thiếu nước. Bấy giờ Ra cảm thấy hối hận bèn sai người gọi Tefnut về.

Ở Nubia, Tefnut đổi tính thích vui chơi, ăn thịt cả người lẫn động vật. Shu và Thoth (thần trí tuệ) được Ra cử sang Nubia, phải hứa sẽ thiết đãi một bữa thật linh đình khi Tefnut về thì bà mới chịu nhún nhường. Sau đấy Tefnut và Shu trở thành vợ chồng.

Sau khi thành vợ chồng, hai người đưa nhau đi khám phá “vũng nước” khởi nguyên Nun mà không thông báo cho Ra là đi đâu hay ngày nào mới về.

“Hắt xì” ra hai đứa con thì chúng nó bỏ nhà đi, thần Mặt trời bối rối sai người tìm con mà không có kết quả gì. Ít lâu sau, hai vợ chồng hớn hở dắt nhau về khiến Ra bật khóc, chính từ những giọt nước mắt đó mà “con người” được sinh ra.

Geb – Thần Mặt Đất

Geb là con trai của Shu và Tefnut, đồng thời là anh trai và là chồng của Nut.

Vị thần này thường xuất hiện dưới hình dạng một người đàn ông có làn da màu xanh lá, điều này biểu tượng cho việc cây cối được “sinh ra từ cơ thể của Geb”.

Bên cạnh đó, những sinh vật sống cũng được người ta cho rằng đang “bò trên lưng” Geb.

Tất cả sự sống đều xuất hiện khi Shu tách Geb ra khỏi Nut để không khí và ánh sáng có thể bắt đầu len lỏi vào giữa hai người.

Geb cũng được biết tới như một trong các vị thần Ai Cập đáng sợ, khi ông chính là người tạo ra những cơn động đất.

Cũng có truyền thuyết là Geb đã nổi loạn và chống lại cha mẹ mình. Sau khi cướp ngôi của Shu, ông ép Tefnut phải làm hoàng hậu của mình.

Tuy vậy, ông đã bị cắn bởi con mãng xà lửa canh giữ cho những người thực sự có quyền cai trị.

Thần Mặt đất Geb

Thoth – Thần tri thức & thông thái

Trong câu chuyện về Tefnut bỏ sang Nubia, các bạn có nhớ việc Ra sai Shu và Thoth đi đưa con gái mình về không? Tại sao lại phải nhờ vả thêm Thoth trong khi đã có chồng Tefnut đi tìm? Bởi vì trong các vị thần Ai Cập cổ đại, Thoth là thần trí tuệ, người được coi là thông minh nhất.

Những tư liệu ghi chép về thần Thoth xuất hiện từ vô cùng sớm, suốt từ thời Tiền Vương quốc. Có văn bản cho rằng Thoth là con của Ra.

Cũng có thuyết là Thoth sáng tạo nên mọi thứ, kể cả bản thân mình nhưng không được nhắc đến là một vị thần đem văn minh đến cho nhân loại.

Thoth là thần phụ trách ghi chép và bảo tồn những kiến thức mà ông tìm được. Những điều về khoa học, y học, phép thuật… mọi thứ đều được Thoth nắm giữ và kiểm soát tại một nơi có tên là “Thư viện của các vị thần”.

Thoth – Thần tri thức & thông thái

Cũng vì thông minh, Thoth được Ra trao cho quyền cai quản một phần địa ngục Duat, là một trong 42 thẩm phán quyết định, ghi chép lại phán quyết xét xử người chết.

Thoth được coi như người “bạn đồng hành” cùng Ra sải cánh bay khắp bầu trời.

Có lúc ông được coi như vị thần mặt trăng và chu kì của nó.

Thoth có thể xuất hiện dưới hai hình dạng, người có đầu như loài cò quăm hoặc người có đầu như khỉ đầu chó. Trên đầu ông là đĩa mặt trăng, có độ sáng theo chu kì của mặt trăng ngày hôm đó.

Khonsu – thần Mặt Trăng

Khonsu là vị thần cai quản Mặt trăng trong các vị thần Ai Cập cổ đại, bạn đồng hành của Thoth.

Vào những buổi đầu của Ai Cập cổ đại, Khonsu được miêu tả là một vị thần khát máu, kẻ giúp đỡ pharaoh bắt giữ và tiêu diệt những vị thần khác để được hấp thụ sức mạnh của họ.

Đến giai đoạn Tân Vương Quốc Ai Cập (khoảng từ 1550 đến 1069 TCN), Khonsu được miêu tả như một vị thần hiền từ, con của Amun và Mut. Có lúc Khonsu được cho là con của Sobek và Hathor, có lúc lại là con của Osiris.

Khác với Thoth, Khonsu hoàn toàn nắm sức mạnh và biểu tượng của ánh sáng Mặt trăng, trên đầu ông cũng có biểu tượng một đĩa Mặt trăng nhưng ở dạng trăng tròn.

Vì chơi với thân Thoth thế nên Khonsu cũng được coi là biết y thuật, từng chữa bệnh cho các vị Pharaoh và cũng có lúc được coi như một trong những thần góp phần tạo ra vũ trụ.

Khonsu có hình dáng hoàn toàn con người, thường đem theo móc néo và vương trượng giống với Osiris, quanh thân thể có quấn băng. Khi bay trên bầu trời ban đêm, Khonsu xuất hiện với cái đầu diều hâu.

Khonsu – thần Mặt Trăng

Nephthys – Nữ thần sa mạc

Nephthys là người con út trong số những người con của nữ thần Nut và phải trở thành vợ của Seth – người anh trai của mình, Seth.

Trong thần thoại các vị thần Ai Cập cổ đại, bà thường được xuất hiện như một người đồng hành của chị gái mình, Isis, nhưng người ta chủ yếu biết tới bà như nữ thần bảo hộ cho việc mai táng. Nephthys thường xuất hiện dưới hình dạng người phụ nữ đội chiếc mũ với những ký tự trong tên của bà.

Nephthys chưa từng có được địa vị cao như chị gái của mình. Một vài văn tự Ai Cập còn nhắc tới nỗi buồn của Isis khi phát hiện ra rằng chồng mình đã ngủ cùng Nephthys.

Theo như Plutarch, Nephthys đã lừa Osiris ngủ cùng mình rồi sinh ra Anubis, bà ruồng bỏ đứa trẻ này nhưng Isis đã cứu nó. Osiris đại diện cho những trận lụt bồi đắp làm màu mỡ đất đai, Isis là các vùng đất canh tác của thung lũng sông Nile còn Nephthys được coi là đại diện của vùng sa mạc cằn cỗi.

Sau khi Osiris bị ám sát, Nephthys và Isis đi tìm kiếm cơ thể của ông, các phần bị tách rời của nó. Hai nữ thần này cũng có mặt trong khi Anubis làm nghi lễ ướp xác của Osiris.

Nephthys – nữ thần sa mạc

Horus – Thần cai quản bầu trời

Horus thường được miêu tả với hình dạng một con chim cắt hoặc một người đàn ông với một cái đầu chim cắt. Ông là vị thần của chiến tranh chính nghĩa, bầu trời, sự bảo vệ.

Horus là con trai của Isis và Osiris, là người thừa kế Osiris. Ông còn là đối thủ của Seth, kẻ đã giết cha mình. “Con mắt của Horus” là một biểu tượng Ai Cập cổ đại, đại diện cho sự bảo vệ quyền lực từ các vị thần.

Là một trong các vị thần Ai Cập cổ đại quan trọng, Horus Trẻ thường được xuất hiện dưới hình dạng một bé trai khoả thân có một bên tóc được cạo và bên còn lại được tết lệch về phía sau trong các tác phẩm nghệ thuật Ai Cập.

Horus có hình dạng một con chim cắt

Horus có hai vai trò trong thần thoại Ai Cập và biểu tượng học. Thứ nhất là biểu tượng cho sự tái tạo của vũ trụ. Thứ hai đại diện cho việc chiến thắng những sinh vật đe dọa tới trật tự của vũ trụ. Ở cả hai vai trò này, Horus đều có thể được hoán đổi vị trí với các vị thần lùn.

Ra – Vị thần mặt trời và ánh sáng

Vào Vương triều thứ 5 của Ai Cập cổ đại, (từ 2465 TCN đến 2323 TCN), vị thần được coi là tối cao trên toàn cõi là Ra – thần Mặt trời.

Người ta cho rằng Ra được sinh ra từ Nun – vùng nước Khởi nguyên. Ngoài ra có truyền thuyết là ông tự sinh ra bản thân mình. Bởi vậy nên các nhà sử học suy đoán “Ra” nếu không phải là “Mặt trời” thì cũng mang nghĩa “Sáng tạo” hay tương tự vậy.

Các vị thần Ai Cập cổ đại không phải là bất tử. Họ đa phần đều sống đến cả ngàn năm nhưng cuối cùng vẫn sẽ chết. Nếu có gì đó đặc biệt thì đó là việc họ có thể hồi sinh trong một số trường hợp nhất định. Ra là một trường hợp như vậy.

Ông xuất hiện dưới các hình dáng khác nhau tùy theo thời gian trong ngày. Sáng sớm ông mang hình dáng thần Khepri, mình người đầu là Bọ hung.

Ra – thần Mặt trời

Đến trưa thần Ra hiện hình hoàn chỉnh là một người đàn ông khỏe khoắn, mình người đầu Chim ưng có đội một cái đĩa mặt trời lớn.

Chiều tối thần lại biến thành hình dáng ông già, đầu Cừu đực (lúc này gọi là Khnum). Khi màn đêm đến, cũng là lúc vị thần này đi vào cõi chết.

Mandjet là tên con thuyền Ra lướt đi vào ban sáng còn Mesektet là con thuyền ông lái vào buổi chiều. Ra đã từng trị vì khắp Ai Cập đến khi ông lên trời sống, hàng ngày giao chiến với con quái vật Apep (Adophis), sau đó chết đi vào ban đêm và rồi hồi sinh khi bình minh tới.

Anubis – Thần cai quản xác chết

Anubis là vị thần phụ trách việc ướp xác, canh giữ người chết. Ông thường hiện ra dưới hình dạng một con chó săn màu đen hay một người đàn ông với cái đầu của một con chó săn.

Anubis cũng góp công trong việc phán xét người chết, cùng với đội quân đưa tin của mình, ông được giao nhiệm vụ trừng phạt những kẻ nào xâm phạm lăng mộ hay xúc phạm những vị thần.

Anubis – thần phụ trách ướp xác

Những con chó săn hay chó hoang sống tại vùng rìa sa mạc thường có thói quen đào và ăn những xác chết được chôn nông. Để tránh kết cục kinh khủng này cho mình, những người Ai Cập cổ đại dã cố gắng xoa dịu Anubis.

Hình xăm các vị thần Ai Cập Anubis đại diện cho công lý

Osiris – Vua của sự sống

Osiris là con trai cả của Geb với Nut. Cùng với người vợ đồng thời là em gái mình, Isis, ông đã cai trị Ai Cập cổ đại cho đến khi bị em trai Seth nổi loạn và lật đổ.

Sau cái chết của ông, các vị thần Ai Cập cổ đại đều cho rằng Osiris cần được tái sinh để trở thành vua và cũng là người phán xử của Cõi Âm, trong khi con trai Horus của ông trở thành vua trần thế.

Ông xuất hiện dưới hình dáng một vị vua được ướp xác, đầu đội mũ miện atef, trên tay là cái móc và cái néo – biểu tượng cho quyền lực. Da ông có thể màu xanh hoặc đen, biểu hiện cho sự mục rữa. Tuy vậy, nó cũng dùng để ám chỉ mối liên kết giữa Osiris với cái chết và sự tái sinh, dựa trên vòng đời của thực vật. Mọi khía cạnh của việc chôn cất và ướp xác đều được liên quan tới ông.

Osiris vua của sự sống

Đặc biệt hơn so với các vị thần Ai Cập khác đó là ngay từ lúc sinh ra, Osiris đã đội mũ miện, được chỉ định là người nối ngôi cha mình là Geb.

Theo Pyramid Text, Osiris bị chính em trai đánh gục, dìm xuống sông Nile. Người ta cho rằng phải 2 lần chết mới có thể giết được vị thần này. Nhiều nguồn ghi chép nói rằng Seth đã cố tình xé và phân tán xác của anh trai mình để ông không thể hồi sinh.

Tuy nhiên Pyramid Text lại chỉ ra đây chỉ là sự phân rã tự nhiên và Isis phải đảo lộn nó lại bằng phép thuật của mình. Những người thân của Osiris phải đi tìm các phần của cơ thể ông được rải rác khắp nơi. Nhờ có sự giúp đỡ của Anubis và Thoth mà cơ thể Osiris được bảo quản và trở thành xác ướp đầu tiên.

Nut – Nữ thần bầu trời

Nut là con gái Shu và Tefnut, đồng thời cũng là vợ của Geb và là mẹ của các vị thần Ai Cập cổ đại quan trọng.

Giống như bầu trời, Nut được mô tả là một người phụ nữ khổng lồ, nằm cong mình trên mặt đất. Cũng có khi, Nut mang hình dạng của một con bò cái với những dấu sao trên mình. Tên của bà được dịch từ tiếng Ai Cập cổ, mang ý nghĩa là “nước”. Biểu tượng của Nut là một chiếc bình đựng nước.

Nữ thần bầu trời Nut

Người ta thường nhắc tới việc bà cùng Geb đã ôm nhau quá thắm thiết, khiến cho không có bất kỳ sự sống nào có thể tồn tại được giữa bọn họ. Dù là dưới yêu cầu của đấng sáng tạo hay là vì lòng đố kị, Shu đã tách họ ra, ông nâng Nut nằm ngang trên đầu mình và để Geb nằm trên chân của ông. Cũng nhờ sự phân tách này mà Nut bắt đầu có thể sinh những đứa con của mình.

Nut có một mối liên hệ mật thiết với bầu trời đêm, nhiều học giả coi bà như hiện thân của Ngân Hà. Nut cũng được biết tới như người đưa linh hồn của những vị vua đã khuất đến thiên đường, giúp họ có thể một lần nữa sống lại như một ngôi sao.

Tại sao các vị thần Ai Cập cổ đại lại thường có đầu động vật?

Theo lý giải của một số chuyên gia trong ngành, một số loài động vật như mèo, chó rừng, cá sấu, diều hâu… đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong đời sống văn hóa, tâm linh của người Ai Cập. Những loài vật này được xem là rất linh thiêng.

Vì vậy, chúng được người dân tôn sùng và coi là hiện thân của các vị thần quyền lực. Đây cũng là lý do những loài động vật nói trên được người dân Ai Cập cổ ướp xác để dâng lên các vị thần có đầu con vật đó.

Ví dụ như để tôn vinh thần Anubis, người Ai Cập thời cổ đại đã ướp xác hàng trăm con chó.

Người dân Ai Cập thời này được cho là ướp xác những loài động vật trên còn nhằm thể hiện những mong muốn sẽ được các vị thần che chở cũng như là bảo vệ để có được cuộc sống bình an, hạnh phúc.

Như vậy qua bài viết vừa rồi chúng mình đã giới thiệu với các bạn về các vị thần Ai Cập cổ đại được sùng bái nhất. Đây cũng là một tín ngưỡng khá thú vị của người Ai Cập. Nếu muốn tìm hiểu thêm các bạn có thể tìm xem bộ phim “các vị thần Ai Cập” thuyết minh tiếng Việt trên các trang phim miễn phí. Chúc các bạn có những phút giây thư giãn sau giờ học tập, làm việc căng thẳng và nhớ là tiếp tục đón đọc những bài viết thú vị tiếp theo trên Palada.vn nhé.

Thứ tự phim Marvel chuẩn nhất cho người mới xem phim

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *